Anh chú hướng nghiệp

Tiêu chuẩn xã hội và sự thay đổi

Trên con đường đi tìm bản thân, có những tiêu chuẩn nào đang đè nặng lên các em?

“Con trai giỏi toán, con gái giỏi văn”

“Kiếm việc ổn định thay vì theo đuổi đam mê”

“Sắp ế rồi”

Các tiêu chuẩn mà xã hội hay gia đình đặt ra cho mỗi người, không cứ là người trẻ đâu, thực ra ở đâu cũng có. Nhưng có lẽ ở Việt Nam, chúng ta đặt nặng tiêu chuẩn xã hội cho bản thân bởi truyền thống nhìn vào cộng đồng và người khác. Đối với người trẻ, trong quá trình trưởng thành, chúng ta đã quen với việc nhìn vào sự kỳ vọng của cha mẹ để đặt ra mục tiêu cho bản thân.

Nhưng đến một lúc, chúng ta sẽ tự hỏi, những tiêu chuẩn đó từ đâu ra, và liệu chúng ta có nên đi theo?

Anh nhớ lại hồi còn học năm nhất đại học là lần đầu tiên anh thách thức một tiêu chuẩn của xã hội. Khi đó, anh mới bắt đầu bước chân sang du học ở Mỹ. Có lẽ bất kỳ bạn du học sinh nào sang Mỹ cũng bị “ngợp” bởi văn hóa tự do của họ. Có những điều người Mỹ nói chưa chắc đã đúng, nhưng sự tôn trọng quan điểm khác biệt, hay ít nhất là nói lên quan điểm khác biệt, cũng nhiều khi là động lực để xã hội Mỹ phát triển.

Lúc đó, anh nhìn lại ở Việt Nam và thấy rằng các bạn cùng tuổi mình thực sự không có nhiều cơ hội để nói lên quan điểm của mình. Người trẻ mà, luôn bị những người lớn coi là thiếu kinh nghiệm, là không biết gì. Thế nhưng, anh lại hoàn toàn tin rằng trong những quan điểm “thiếu kinh nghiệm” của người trẻ lại có những điều đột phá, có thể khiến cho xã hội phải xem xét lại những tiêu chuẩn bấy lâu nay.

Ví dụ như, người Việt mình có truyền thống “lá lành đùm lá rách.” Trong xã hội ngày nay, điều đó có luôn đúng nữa không?

Thôi thúc bởi những câu hỏi tưởng như “lạ đời” như vậy, anh nghĩ rằng mình có thể kết nối với các bạn cùng quan tâm để lập nên một dự án phát triển kỹ năng tư duy, tranh luận và hùng biện của giới trẻ. Anh nghĩ rằng nhóm sẽ cùng nhau tổ chức ra một buổi hội thảo mà ở đó, các bạn trẻ sẽ có cơ hội nói lên quan điểm của mình, kể cả tranh luận với nhau để tìm ra chân lý.

Có lẽ các em bây giờ khó có thể tưởng tượng được là hơn mười năm trước, riêng từ “tranh luận” đã là một từ nhạy cảm trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ, vốn luôn bị gia đình hay nhà trường dạy phải vâng lời, thì lại càng xa lạ với điều đó. Lúc đó, để tổ chức một buổi hội thảo công khai tranh luận về những truyền thống của Việt Nam, anh đã phải đi xin bảo trợ từ những tổ chức chính thống, được quản lý bởi các bác 50, 60 tuổi.

Và điều đầu tiên các bác nói với anh là: chương trình này sẽ rất hay, nhưng nên thay từ “tranh luận” bằng “thảo luận” cháu ạ.

Lúc đó, anh đã nghĩ thế này: “Tranh luận” không chỉ là một từ, đó là mục tiêu. Trong chương trình này, các bạn trẻ sẽ tranh luận có luận điểm, có chiều sâu, có kiến thức. Việc các bạn trẻ tranh luận với nhau để tìm ra chân lý là một điều rất tự nhiên ở nhiều nước khác. Kể cả người lớn tuổi, khi nghe những cuộc tranh luận đó, cũng học được nhiều điều. Và nếu như có vấn đề gì thì ít nhất xã hội cũng từ đó đánh giá xem từ “tranh luận” có phải là một từ nhạy cảm hay không.

Anh đã phải thuyết phục rất nhiều để từ “tranh luận” được dùng xuyên suốt, và cuối cùng cuộc hội thảo cũng được tổ chức thành công. Ở đó, các bạn trẻ đã nói lên quan điểm của mình, đã tranh luận rất văn minh. Nhiều báo chí đã đưa tin. Nhưng rồi mọi chuyện cũng lắng dần…

Bẵng đi một thời gian, một ngày anh nghe nói rằng lần đầu tiên có một cuộc thi tranh biện cho giới trẻ được tổ chức chính thức trên sóng truyền hình VTV…

Và một thời gian sau đó nữa, anh được nghe rằng các đại biểu Quốc hội đã lần đầu tiên sử dụng “tranh luận” theo đúng nghĩa của nó trong nghị trường, thay vì “thảo luận” hay “tham luận”.

Anh không biết rằng cuộc hội thảo năm xưa đã tạo ra được ảnh hưởng bao nhiêu cho xã hội, nhiều khả năng nó chỉ là một hạt nước rất nhỏ trong dòng chảy của xu thế chung. Nếu ngày đó, anh không cứng đầu bảo vệ cho từ “tranh luận”, thì rất có thể xã hội vẫn chuyển mình như vậy.

Nhưng nếu tất cả người trẻ, nếu thỉnh thoảng không dừng lại và thách thức những tiêu chuẩn bấy lâu nay trong xã hội, dù đó là đi theo đam mê thay vì công việc ổn định, con gái làm lập trình viên, hay con trai ở nhà nội trợ, thì sự thay đổi, trong chính chúng ta và cả xã hội, có lẽ sẽ rất khó xảy ra.

Đọc thêm tại: facebook.com/duong.harvard

Vui lòng ghi rõ nguồn khi chia sẻ nội dung bài viết:

Anh Chú Hướng Nghiệp (www.anhchuhuongnghiep.com)

Chia sẻ bài viết:

Facebook
Twitter
LinkedIn
WhatsApp
Email

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dự án Anh Chú Hướng Nghiệp hiện thực hóa khát vọng giúp đỡ giới trẻ của Dương Trần – Thạc sĩ ĐH Harvard, Chuyên gia Tư vấn chiến lược.

Đọc thêm tại đây

Kết nối

Chủ đề

Đăng ký nhận newsletter

Đăng ký nhận newsletter

Nhận email cập nhật về các bài viết, tài liệu & sự kiện mới của Anh Chú Hướng Nghiệp