Anh chú hướng nghiệp

“Đọc Vị” Bản Thân Với Trắc Nghiệm Tính Cách Big Five

mo-hinh-big-five-feature

Bài trắc nghiệm tính cách Big Five, hay còn được biết đến qua tên viết tắt như “OCEAN” hay “CANOE” là một trong những công cụ phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay để khám phá chi tiết tính cách của bản thân. Hãy cùng Anh Chú Hướng Nghiệp tìm hiểu ngay mô hình cực kì thú vị này nhé!

1. Mô hình Big Five (5 yếu tố) là gì?

1.1. Nguồn gốc của Big Five

Tính cách và việc xác định các loại tính cách của con người từ lâu đã là một chủ đề nghiên cứu tâm lý học thu hút đông đảo sự quan tâm của các học giả và công chúng. Những giả thuyết nổi bật từ sớm là 4,500 từ miêu tả tính cách của Gordon Allport, hay 16 tính cách của Raymond Cattell. Trong quá trình phát triển về sau, các nhà tâm lý học đã nỗ lực rút gọn các danh sách này bằng cách tìm ra những đặc tính khái quát hơn. Trong đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có 5 yếu tố cơ bản nhất, đó là

  • Openness: Sự cởi mở
  • Conscientiousness: Tính tự chủ
  • Extraversion: Mức độ hướng ngoại
  • Agreeableness: Sự hòa đồng
  • Neuroticism: Sự bất ổn cảm xúc
mo-hinh-tinh-cach-big-five-1

Phiên bản đầu tiên của mô hình này ra đời vào năm 1961 bởi Ernest Tupes và Raymond Christal, song không được đón nhận. Về sau, có đến 3 công trình nghiên cứu độc lập khác cùng tìm ra nhóm 5 yếu tố này, bao gồm thành quả của Lewis Goldberg từ Viện Nghiên cứu Oregon, Cattell của Đại học Illinois cũng như hai nhà tâm lý học nổi tiếng Paul Costa và Robert McCrae. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, mô hình Big Five đã dần trở nên nổi tiếng và đến hiện nay vẫn được xem là một trong những công cụ khám phá tính cách phổ biến nhất thế giới.

1.2. Cách làm bài trắc nghiệm tính cách Big Five

Với Big Five, bạn cần trả lời các mệnh đề về bản thân theo thang đo Likert từ “Rất không đồng ý” đến “Hoàn toàn đồng ý”. Để đảm bảo độ chính xác, bạn phải lựa chọn đáp án dựa trên hiện trạng thực tại của mình chứ không phải trong quá khứ hay dựa trên hình ảnh bạn mong muốn trở thành trong tương lai. Kết quả của Big Five cũng sẽ không xếp bạn vào cụ thể một loại tính cách nào cả, thay vào đó, nó biểu hiện rõ mức độ cao-thấp của 5 khía cạnh ấy trong bạn.

Bạn có thể làm trắc nghiệm tính cách theo mô hình 5 yếu tố (Big Five) miễn phí tại đây. Sau khi đã có kết quả, hãy quay lại để đối chiếu ở mục bên dưới nhé!

2. 5 khía cạnh tính cách trong mô hình Big Five

2.1. Cởi mở (Openness)

Những từ khóa gắn liền với đặc điểm này bao gồm: nghệ thuật, cảm xúc, phiêu lưu, đột phá, trí tưởng tượng và tò mò.

big-five-3

Nếu có số điểm Cởi mở cao, bạn thường yêu thích những trải nghiệm mới, nhạy cảm với xúc cảm và cái đẹp cũng như rất đam mê với những gì cần đến tư duy ngoài khuôn khổ. Nguồn năng lượng dồi dào và óc sáng tạo ấy mở ra cho bạn rất nhiều cơ hội học hỏi từ môi trường xung quanh, nhưng tính ưa mạo hiểm đôi khi sẽ đẩy bạn vào những hoàn cảnh đầy chông gai. Thế nên, trước khi quyết định dấn thân vào điều gì, hãy cân nhắc thật cẩn thận nhé.

Nếu có số điểm Cởi mở thấp, bạn là người kiên nhẫn, thực tế, thích an toàn trong khuôn khổ với lối tư duy tương đối khép kín. Mặc dù thường không được đánh giá cao về khả năng sáng tạo và bứt phá, nhưng chính sự tỉ mỉ, nhất quán và lí trí của bạn lại là yếu tố quan trọng để hoàn thành xuất sắc mọi công việc của mình.

2.2. Tự chủ (Conscientiousness)

 Tự chủ gắn liền với tinh thần kỉ luật, ý thức trách nhiệm và sự cố gắng bền bỉ vì mục tiêu của mình. Nói cách khác, đặc điểm này liên quan đến cách một người kiểm soát những ham muốn bốc đồng của bản thân.

Người có mức tự chủ cao thường được biết đến với sự kiên cường và khả năng tập trung gần như tuyệt đối. Họ luôn cố gắng tuân thủ một lịch trình đã chuẩn bị và ít khi để cảm xúc hay những biến cố xung quanh làm ảnh hưởng đến những dự định của mình. Đây cũng là những người làm việc chính xác và tỉ mỉ bậc nhất.

Ngược lại, điểm số Tự chủ không cao là tín hiệu cho thấy một người dễ bốc đồng, vì vậy sẽ khá tùy tiện và không cẩn thận dẫn đến việc không hoàn thành được mục tiêu như ý muốn. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa rằng họ là người linh hoạt và có cá tính.

2.3. Hướng ngoại (Extraversion)

mo-hinh-tinh-cach-big-five-extrovert

Như tên gọi của đặc điểm này, nếu điểm số Hướng ngoại cao, bạn là người hoạt bát, tràn đầy năng lượng, ưa náo nhiệt và gần như luôn gắn liền với việc hành động. Có thể nói, tương tác trực tiếp với mọi người là cách bạn lấy lại năng lượng cho chính mình. Bạn hoàn toàn có thể tận dụng nét đặc trưng này để phát triển bản thân qua các hoạt động ngoại khóa hay những cuộc thi về ý tưởng, vận động cộng đồng,..v..v..

Nếu số điểm ở mục này không cao, bạn chính là một người hướng nội điển hình. Xu hướng ưa thích sự tĩnh lặng, làm việc và phục hồi năng lượng hiệu quả hơn khi ở một mình là những đặc tính cơ bản của người hướng nội. Điều này không có nghĩa rằng bạn là người tự ti hay có vấn đề về giao tiếp, vì hướng nội hay hướng ngoại chỉ đơn thuần là những khái niệm về cách mà một người “nạp” năng lượng cho bản thân mà thôi. Thế nên nếu là người hướng nội, hãy lưu ý việc lựa chọn môi trường học tập và làm việc sao cho chính bản thân bạn cảm thấy thoải mái và có thể đạt được hiệu quả tốt nhất.

2.4. Hòa đồng (Agreeableness)

Hòa đồng không đồng nghĩa với Hướng ngoại. Hòa đồng không cho thấy rằng người đó có thể phục hồi năng lượng tốt thông qua việc tương tác xã hội hay không, mặt khác, Hòa đồng biểu hiện rõ về cách giao tiếp của họ với những người xung quanh.

mo-hinh-tinh-cach-big-five-6

Cụ thể, người có điểm số Hòa đồng cao là người luôn coi trọng các mối quan hệ của mình. Họ được đánh giá là người tử tế, tận tâm, hào phóng và vô cùng đáng tin cậy. Họ rất giỏi trong việc dung hòa với người khác, dù sở thích hay quan điểm có mâu thuẫn nhiều đến đâu đi nữa. Tuy nhiên, đây cũng là lí do khiến người có điểm Hòa đồng cao hay thiếu quyết đoán, nhất là với những quyết định khó khăn bởi lẽ họ không muốn làm mất lòng bất kỳ ai.

Với những người có điểm Hòa đồng thấp, họ có xu hướng đặt lợi ích của bản thân lên trên sự hòa hợp với mọi người. Vì vậy họ cũng thường nghi ngờ về động cơ của của người khác khi tiếp cận mình, khiến cho họ bị đánh giá là không thân thiện và thiếu tinh thần hợp tác. Đây cũng là nhóm người có tinh thần cạnh tranh rất cao, dễ xảy ra tranh cãi với người khác và không thực sự đáng tin cậy.

2.5. Bất ổn cảm xúc (Neuroticism)

mo-hinh-tinh-cach-big-five-neuroticism

Bất ổn cảm xúc chính là xu hướng trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực như tức giận, lo lắng và kể cả trầm cảm. Cụ thể hơn, đặc điểm này liên quan đến khả năng chịu đựng của một người với những căng thẳng tiêu cực về tâm lí.

Nếu điểm số Bất ổn cảm xúc cao, bạn là người nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Một tình huống thông thường dưới mắt bạn có thể trở thành một mối đe dọa đầy nguy hiểm, và sự mệt mỏi nhất thời dường như cũng biến thành một khó khăn không thể vượt qua. Vì vậy mà đây là những người dễ bi quan và có nguy cơ cao với việc mắc chứng bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu, suy nhược thần kinh, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, v..v.. Thế nên nếu có số điểm cao ở mục này, bạn hãy chú ý đến tình trạng tâm lý của mình nhiều hơn và đừng ngại nhờ đến sự giúp đỡ của người thân, bạn bè khi gặp khó khăn nhé.

Ở chiều ngược lại, nếu điểm số Bất ổn cảm xúc không cao, bạn là người có tâm lý vững vàng, chịu được áp lực và căng thẳng liên tục trong thời gian dài. Vì vậy trong cuộc sống thường ngày hay trước những biến cố, bạn luôn thể hiện sự bình tĩnh và tự tin để giải quyết mọi việc một cách tốt nhất.

3. Ứng dụng Big Five như thế nào?

Như đã nói đến ở trên, Big Five là một trong những sự trợ giúp cực kì hiệu quả để bạn có thể tìm ra những điểm mạnh và cả những hạn chế trong tính cách của mỗi người, từ đó có thể xác định được hướng phát triển tốt nhất cho bản thân trong công việc lẫn trong đời sống thường ngày.

mo-hinh-tinh-cach-big-five-8

Không những thế, mô hình tính cách 5 yếu tố Big Five cũng là một công cụ hữu hiệu dành cho các nhà quản trị trong tuyển dụng nhân sự mới hoặc trong việc thấu hiểu và sử dụng tối ưu nguồn nhân lực hiện tại của mình. Ví dụ như khi biết rằng nhân viên đó của mình có điểm số Hướng ngoại (Extraversion) thấp, người quản lý có thể:

  • Giao cho họ những công việc cần sự tập trung cao độ: Một trong những thế mạnh nổi bật của người hướng nội chính là khả năng tập trung. Họ cũng yêu thích sự bài bản, chỉn chu, thế nên những công việc khá rối rắm và phức tạp khi đến tay họ hoàn toàn có thể mang đến kết quả tốt đẹp như kỳ vọng của cấp trên.
  • Tạo điều kiện làm việc linh hoạt: Đại dịch COVID-19 đã khiến xu hướng làm việc tại nhà (“work from home”) lan rộng trên toàn thế giới. Trong thời gian đó, các tờ báo lớn như Forbes và BBC đã có những bài viết phân tích lí do vì sao người hướng nội lại bất ngờ “tỏa sáng” hơn trong công việc vào giai đoạn này, trong khi trước kia họ vốn không được đánh giá cao bằng người hướng ngoại tại công sở truyền thống. Thực tế đó đã khiến mọi người quan tâm nhiều hơn về vấn đề tạo ra môi trường làm việc phù hợp với tâm lý của nhân viên. Như vậy, với người hướng nội, các nhà quản lý nên tạo điều kiện để họ có thể hoạt động độc lập trong không gian yên tĩnh cũng như cho phép những nhân sự này làm việc từ xa nếu có thể. Điều này chắc chắn sẽ cải thiện đáng kể năng suất và hiệu quả công việc của tập thể công ty.

4. Kết

Cũng như bất kì bài trắc nghiệm tính cách nào khác, vì nhiều lý do, Big Five chỉ có độ chính xác tương đối. Bạn có thể tham khảo thêm một số bài trắc nghiệm khác cũng như tự đối chiếu với thực tế quan sát chính bản thân mình để có cái nhìn toàn diện nhất. Hơn nữa, tính cách của bản thân theo thời gian, dựa trên những trải nghiệm mới cũng sẽ xuất hiện sự thay đổi, nên bạn đừng để những kết luận của hiện tại trở thành định kiến về cá nhân mình nhé!

Vui lòng ghi rõ nguồn khi chia sẻ nội dung bài viết:

Anh Chú Hướng Nghiệp (www.anhchuhuongnghiep.com)

Chia sẻ bài viết:

Facebook
Twitter
LinkedIn
WhatsApp
Email

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dự án Anh Chú Hướng Nghiệp hiện thực hóa khát vọng giúp đỡ giới trẻ của Dương Trần – Thạc sĩ ĐH Harvard, Chuyên gia Tư vấn chiến lược.

Đọc thêm tại đây

Kết nối

Chủ đề

Đăng ký nhận newsletter

Đăng ký nhận newsletter

Nhận email cập nhật về các bài viết, tài liệu & sự kiện mới của Anh Chú Hướng Nghiệp