Anh chú hướng nghiệp

Tìm Kiếm Mentor: Không Khó Như Bạn Nghĩ!

tim-kiem-mentor-achn-feature

Trước khi sáng lập ra một trong những đế chế thời trang quyền lực nhất thế giới, Yves Saint Laurent chính là người học trò và đồng nghiệp thân thiết của Christian Dior. Mark Zuckerberg trong quãng thời gian khó khăn nhất đã tìm đến sự giúp đỡ của Steve Jobs. Và có lẽ chúng ta đã không có một “nữ hoàng truyền hình” Oprah Winfrey như hiện tại nếu thiếu đi công lao của Maya Angelou.

Câu chuyện của những vĩ nhân trên hẳn đã gợi cho bạn những ý niệm về tầm quan trọng của mentor trong cuộc đời của mỗi người, như Isaac Newton từng tuyên bố: “Nếu tôi nhìn xa hơn người khác thì đó là vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ”. Vậy bạn đã tìm được “những đôi vai người khổng lồ” cho riêng mình chưa? Nếu chưa hoặc đang gặp khó khăn trong hành trình tìm kiếm mentor, hãy theo dõi bài viết sau của Anh Chú Hướng Nghiệp nhé!

1. Mentor là gì?

1.1. Ý nghĩa của “mentor”

Là người trẻ trong thời đại của số hóa và sự hội nhập mạnh mẽ, “mentor” chắc hẳn đã không còn là một định nghĩa xa lạ với hầu hết chúng ta. Và câu chuyện ẩn sau nguồn gốc của từ này cũng vô cùng thú vị. Đã bao giờ bạn tự hỏi, ai là mentor đầu tiên trong lịch sử chưa?

“Mentor” thực chất là một nhân vật trong sử thi Odysseus của đại thi hào Homer. Trước khi đến Thành Troy tham gia chiến tranh, vị vua xứ Ithaca Odyssey đã giao con trai mình – Telemachus cho một người bạn là Mentor để ông thay mặt mình chăm sóc và dạy dỗ đứa bé. Về sau, Mentor ngày càng trở nên già yếu, và nữ thần Athena đã hóa thân vào ông để tiếp tục giúp đỡ Telemachus trong những giai đoạn khó khăn của cuộc đời.

mentor-1

Bắt nguồn từ điển tích trên, “mentor” trở thành một từ vựng mang nghĩa người truyền đạt kinh nghiệm và đưa ra lời khuyên để dẫn dắt lớp trẻ hơn trên những chặng đường đời. Bạn cũng có thể bắt gặp những định nghĩa rộng hơn, khi có người nói rằng mentor đôi khi là những quyển sách hoặc chính bản thân mỗi người. Tuy nhiên, theo cách hiểu chủ yếu của đa số người trẻ hiện nay, và cũng là cách hiểu được sử dụng trong phạm vi bài viết này, mentor là những người đi trước, có nhiều kinh nghiệm hơn, đã đạt được thành công và có vị thế nhất định trong lĩnh vực nào đó, đồng thời có mong muốn chia sẻ, lan tỏa giá trị đến với thế hệ tiếp theo.

Việc tìm được một định nghĩa tương đương với mentor trong tiếng Việt không hề đơn giản, song có thể tạm gọi họ là những “cố vấn”. Công việc chính của mentor là mentoring (hỗ trợ trong việc định hướng, phát triển bản thân và công việc, sự nghiệp tương lai) cho các mentee (người được cố vấn).

1.2. Vì sao các bạn trẻ hiện nay lại cần tìm kiếm mentor?

Là người đi trước và phần lớn đã trải qua những gì bạn đang gặp phải ở hiện tại, mentor hoàn toàn có thể đưa ra cho bạn những lời khuyên quý giá dưới góc nhìn vô cùng cụ thể. Không những vậy, bản thân các mentor hầu hết đều đã có được những thành công nhất định trong lĩnh vực mà mentee đang quan tâm hoặc theo đuổi, do đó, những chia sẻ về các cách thức, phương án họ đã tìm ra để vượt qua khó khăn sẽ rất đáng tin cậy cũng như có khả năng truyền cảm hứng đến mentee trong những thời điểm đầy chông gai, giúp mentee đưa ra các quyết định sáng suốt hơn và rút ngắn thời gian về đích của mình. Hơn thế nữa, ở góc nhìn của một người thứ ba, họ sẽ giúp bạn đánh giá một cách khách quan mà không bị ảnh hưởng bởi yếu tố cảm xúc cá nhân.

mentor-2

Ngoài ra, mỗi mentor đã có cho mình mạng lưới những mối quan hệ (network) riêng. Vậy nên, họ là người có thế giúp bạn tiếp cận và tạo kết nối với những tiền bối giàu kinh nghiệm khác hay thậm chí là những cơ hội nghề nghiệp mới – điều mà không phải ai cũng sẵn lòng cho bạn một cách miễn phí.

1.3. Những yếu tố để xác định một mentor phù hợp

Như vậy, một mentor lý tưởng cho bạn sẽ gồm những đặc điểm như sau:

  • Có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức liên quan đến lĩnh vực, mục tiêu mà bạn đang quan tâm, theo đuổi
  • Có nhiều điểm chung về quan niệm sống, cách tư duy
  • Sẵn sàng hỗ trợ khi bạn cần, thực sự dành thời gian và công sức cho sự phát triển cá nhân của bạn

1.4. Các hình thức mentoring phổ biến hiện nay

Trên thực tế, có rất nhiều hình thức mentoring khác nhau, tùy vào tiêu chí phân chia hoặc từng lĩnh vực nhất định. Nhưng nhìn chung các hình thức mentoring thường gặp nhất là:

  • One-on-one mentoring (cố vấn 1-1): Đây là khái niệm chung về hình thức mentoring chỉ gồm mentor và mentee.
  • Group-based mentoring (cố vấn theo nhóm): Đơn giản là hình thức một mentor cố vấn cho nhiều mentee cùng lúc.
  • Situational mentoring (cố vấn tình huống): Hình thức mentoring để giúp một hoặc nhiều mentee có kỹ năng làm được một công việc cụ thế nào đó.
  • Developmental & Career mentoring (cố vấn nghề nghiệp): Đây là hình thức mentoring dài hạn, như một quản lý cấp cao cố vấn cho nhân viên cấp dưới đạt được thành tựu nhất định trong sự nghiệp sau vài năm.
  • Reverse mentoring (cố vấn ngược): Khi nhân viên mới sở hữu kỹ năng và kiến thức mà các đồng nghiệp cũ còn thiếu, họ trở thành cố vấn cho nhân viên cũ, hoặc đồng nghiệp cao cấp hơn.
  • Peer-based mentoring (cố vấn chéo): Còn được biết đến là hình thức mentoring mà một cố vấn thực sự không tồn tại. Các đồng nghiệp mentor lẫn nhau bằng cách chia sẻ và phản hồi.

2. Quá trình tìm kiếm và kết nối với mentor

2.1. Các mentee cần chuẩn bị gì trước khi bắt đầu tìm kiếm mentor?

Phật giáo có một câu ngạn ngữ rằng: “Khi học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện”. Đó không phải là điều kỳ diệu ngẫu nhiên, mà đơn giản vì tinh thần quyết tâm học hỏi và sự thấu hiểu bản thân sẽ cho phép ta nhìn thấy người dẫn đường phù hợp một cách dễ dàng hơn rất nhiều. Tương tự như thế, một mentee khi đã hội tụ đủ những đặc điểm sau đây sẽ có khả năng gặp được vị mentor trong mơ của mình cao hơn những người vẫn còn đang mông lung khác:

  • Hiểu rõ bản thân: Biết được điểm yếu và điểm mạnh, những mong muốn và dự định của bản thân, cả những trăn trở, hoang mang đang cần mentor giải đáp. Bởi lẽ chắc chắn không ai muốn nhận một mentee giống như cô bé Alice, hỏi đường chú mèo nhưng lại chẳng biết bản thân mình muốn đi đâu.

Tham khảo bài viết: 6 Bài Trắc Nghiệm Tính Cách Khám Phá Nội Tâm Hay Ho Dành Cho Bạn

  • Sự quyết tâm: Sẵn sàng đầu tư công sức, tiền bạc (trong đó công sức là chủ yếu) để đạt được những gì bạn muốn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để mentor cân nhắc trước khi đưa ra quyết định lựa chọn mentee.
  • Tư duy mở: Sẵn sàng tiếp thu nhiều ý tưởng, lập luận và thông tin khác với những gì mình vốn nghĩ. Tư duy mở cũng chính là một khả năng cần thiết để bạn có thể tư duy phản biện một cách nghiêm túc và hợp lý trong quá trình mentoring.
  • Sự chủ động: Chủ động học hỏi, chủ động trong việc tự quyết định cuộc đời của chính mình.
  • Tinh thần tôn trọng thời gian của mentor: Đối với đa số các mentor, thời gian của họ là rất quan trọng. Có khi họ phải bỏ 1 tiếng tương đương vài trăm USD của mình để giúp đỡ bạn miễn phí. Thế nên, tinh thần tôn trọng thời gian của họ là phép lịch sự tối thiểu, nên đóng vai trò định hướng cho phần lớn hành động của bạn trong việc tìm kiếm mentor lẫn trong quá trình mentoring.

2.2. Mentor sẽ xuất hiện ở đâu? Bắt chuyện với họ thế nào?

mentor-4

Mentor vẫn luôn xuất hiện ở mọi nơi xung quanh bạn – đây hẳn là điều mà rất nhiều người đã khẳng định. Dù là giảng đường đại học, câu lạc bộ, dự án, workshop, webinar, các nền tảng mạng xã hội, nơi thực tập,…, bạn đều có thể tìm kiếm mentor cho chính mình khi đã biết rõ định hướng của bản thân.

Sau khi xác định được liệu đó có phải một mentor tiềm năng hay không theo các tiêu chí đã nêu, thông thường, các bạn có thể kết nối với họ theo 3 phương án sau:

2.2.1. Gửi tin nhắn trực tiếp qua Facebook Messenger, Linkedin,…

  Đối với phương án này, bạn cần lưu ý một số điểm trong tin nhắn của mình:

  • Cung cấp cho mentor những thông tin cơ bản về bạn: Bạn học ở trường nào? Năm mấy? Chuyên ngành gì?…
  • Đặt một câu hỏi cụ thể, rõ ràng, súc tích mà mentor có thể trả lời được ngay. Điều này tránh làm mất quá nhiều thời gian của mentor, cũng như sẽ vô hình tạo cho mentor cảm giác rằng họ đã có thể giúp được bạn. Nhờ vậy, bạn đã đặt xuống những viên gạch quan trọng đầu tiên trong việc hình thành mối quan hệ mentor-mentee. Đây sẽ là tiền đề cho những cuộc trò chuyện tiếp theo giữa bạn và mentor.
  • Tránh đặt ra một yêu cầu quá lớn ngay từ đầu (Ví dụ như hỏi rằng liệu họ có thể làm mentor cho mình trong vòng n tháng tới hoặc dành nhiều ngày tiếp theo để hỗ trợ mình về việc A này được không?)
  • Tuyệt đối không đề nghị mentor “cho” bạn “một buổi cà phê” hay những kiểu hò hẹn tương tự! Chắc chắn không một ai muốn dành thời gian gặp trực tiếp và trò chuyện với một người không quen biết, nhất là những người vốn đã rất bận rộn như các mentor. Vì vậy, họ đương nhiên sẽ từ chối những đề nghị thế này và bạn cũng đã để lại ấn tượng xấu trong mắt họ.
  • Nếu không thấy người mình muốn chọn làm mentor trả lời, đừng vội thúc giục họ. Đa số các mentor thực sự không có nhiều thời gian. Tuy nhiên, nếu đã kiên nhẫn chờ đợi khoảng 2 tuần nhưng vẫn không thấy họ hồi âm, bạn nên tự hiểu ý và tiếp tục tìm kiếm một mentor khác nhé.

2.2.2. Thông qua sự giới thiệu của người quen chung giữa bạn và mentor

Với cách thức này, bạn nên nhờ người quen hỏi xem mentor có thời gian không, sau đó sẽ đề nghị sắp xếp một cuộc trò chuyện chung (trực tiếp hoặc qua email và các hình thức trực tuyến khác,…) và về sau đó sẽ là những cuộc trò chuyện riêng giữa bạn và mentor với những lưu ý tương tự như phương án trên.

2.2.3. Qua các kênh, chương trình hỗ trợ kết nối mentee với mentor như Mentori, Youth+Mentor,… 

Đây cũng là cách thức đáng tham khảo cho những ai vẫn loay hoay trong việc tìm kiếm mentor. Những điểm cần lưu ý khi được kết nối với mentor ở phương án này cũng không khác với cách thức 2.2.1. Bạn cần cho các mentor biết đầy đủ thông tin cơ bản, mong muốn của bản thân cũng như đặt những câu rõ ràng, súc tích và cụ thể. Bạn không nên yêu cầu ở họ quá nhiều, bao gồm việc đặt thật nhiều câu hỏi trong lần trò chuyện đầu tiên.

mentor-5

3. Kết

Tìm kiếm mentor phù hợp là không hề đơn giản, bắt chuyện và đề nghị họ đồng ý dẫn dắt mình lại càng khó khăn hơn. Điều này khiến không ít bạn cứ mãi chần chừ, e dè trong việc tìm kiếm và kết nối với “người dẫn đường định mệnh” của mình. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm thực tế được đúc kết từ nhiều mentor lẫn mentee như trên, Anh Chú Hướng Nghiệp hy vọng rằng đã có thể phần nào giúp các bạn tự tin hơn trong hành trình tìm đến những người thầy lý tưởng ấy. Chúc các bạn mau chóng trở thành những mentee thành công!

Vui lòng ghi rõ nguồn khi chia sẻ nội dung bài viết:

Anh Chú Hướng Nghiệp (www.anhchuhuongnghiep.com)

Chia sẻ bài viết:

Facebook
Twitter
LinkedIn
WhatsApp
Email

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dự án Anh Chú Hướng Nghiệp hiện thực hóa khát vọng giúp đỡ giới trẻ của Dương Trần – Thạc sĩ ĐH Harvard, Chuyên gia Tư vấn chiến lược.

Đọc thêm tại đây

Kết nối

Chủ đề

Đăng ký nhận newsletter

Đăng ký nhận newsletter

Nhận email cập nhật về các bài viết, tài liệu & sự kiện mới của Anh Chú Hướng Nghiệp