Anh chú hướng nghiệp

Khám Phá Mô Hình Phân Tích SWOT Kinh Điển

Mô hình phân tích SWOT (SWOT analysis) là một công cụ đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả đối với việc tìm hiểu sâu về tình hình hiện tại của một doanh nghiệp, tổ chức hay một dự án cụ thể. Trên cơ sở ấy, các nhà lãnh đạo hoặc chuyên viên tư vấn có thể đưa ra những định hướng hoặc chiến lược phù hợp cho tương lai.

Không những thế, mô hình phân tích SWOT còn hoàn toàn có thể được xây dựng thành một phiên bản dành riêng cho cá nhân, giúp bạn có thể tự đánh giá và lập kế hoạch cụ thể để phát triển bản thân hay sự nghiệp của mình.

Với bài viết này, Anh Chú Hướng Nghiệp sẽ cùng các bạn giải đáp cặn kẽ ý nghĩa của SWOT cũng như đưa ra những hướng dẫn cùng ví dụ cụ thể để mỗi bạn có thể xây dựng một mô hình phân tích SWOT cho riêng mình nhé!

Table of Contents

1. Khái quát về mô hình phân tích SWOT trong tư vấn quản trị

mô hình phân tích swot-example

SWOT là viết tắt của 4 từ tiếng Anh, cũng chính là 4 khía cạnh cần xem xét đến khi phải tìm hiểu về thực trạng của một doanh nghiệp, tổ chức hoặc một dự án, đó là: Strengths (thế mạnh), Weaknesses (mặt hạn chế), Opportunities (cơ hội) và Threats (thách thức). 

Trong đó, Strengths và Opportunities là tập hợp nhiều yếu tố thuận lợi để đạt được mục tiêu mà doanh nghiệp hay tổ chức đã đề ra, còn Weaknesses và Threats là một loạt tác nhân đang kìm hãm quá trình đạt đến mục tiêu ấy.

Xét ở một khía cạnh khác thì Strengths và Weaknesses cùng được xếp vào nhóm yếu tố chủ quan (yếu tố bên trong). Bởi vì đây là những yếu tố mà bản thân tổ chức, doanh nghiệp có thể chủ động điều chỉnh và thay đổi theo ý muốn của mình. Ngược lại thì Opportunities và Threats chính là nhóm yếu tố khách quan (yếu tố bên ngoài). Chúng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia hoặc thời kỳ lịch sử mà không một nhà quản trị nào có thể đơn phương thay đổi được.

mô hình phân tích swot-case-interview-framework

Như vậy, với mô hình phân tích SWOT, bạn có thể dễ dàng nhận biết được tình hình thực tế của doanh nghiệp, tổ chức hay dự án của mình, từ mặt tích cực đến tiêu cực, từ các mặt chủ quan đến khách quan để góp phần đưa ra những nhận định và hướng giải quyết phù hợp nhất. Chính vì vậy mà mô hình phân tích SWOT là một trong những framework được sử dụng nhiều nhất để hỗ trợ việc hoạch định chiến lược trong ngành tư vấn quản trị cũng như khi giải các case interview trong quy trình tuyển dụng hoặc trong một số cuộc thi.

2. 3 bước thực hiện một mô hình phân tích SWOT

2.1. Bước 1: Vẽ mô hình phân tích SWOT

Hãy vẽ ra một mô hình phân tích  gồm 4 ô chính như sau:

mô hình phân tích swot-khai-quat

2.2. Bước 2:  Thực hiện mô hình phân tích SWOT 

Bắt đầu brainstorm để xây dựng một danh sách những nhân tố nói lên tình hình hiện tại của doanh nghiệp, tổ chức hay dự án và lần lượt xếp những mục đó vào ô phù hợp. Trong thực tế, bạn nên cùng thực hiện với một số đồng nghiệp đến từ các bộ phận và cấp bậc khác nhau để có được một mô hình phân tích SWOT đầy đủ và khách quan nhất.

Điều tối quan trọng trong bước này là phải xác định rõ mỗi yếu tố thuộc về khung nào, hay yếu tố đó có cần được đưa ra xem xét và phân tích trong phạm vi ma trận này không. Vì vậy bạn cần nắm thật kĩ định nghĩa của 4 khía cạnh đang xem xét trong một mô hình phân tích SWOT:

2.2.1. Strengths – Những thế mạnh nội tại cần được phát huy

strengths-swot-framework

Đây là ô rất dễ nhầm lẫn trong quá trình sắp xếp các nhân tố. Strengths quả thật có nghĩa là điểm mạnh, nhưng trong mô hình phân tích SWOT, một nhân tố chỉ được xem là điểm mạnh của một doanh nghiệp khi nó có thể tạo ra những lợi thế cạnh tranh rõ ràng so với các công ty cùng phân khúc khác trên thị trường. 

Lấy ví dụ như bạn đang kinh doanh dòng thời trang cao cấp, đối thủ của bạn cũng là các nhà mốt đắt đỏ khác. Như vậy thì “sản xuất được sản phẩm chất lượng, đạt đến trình độ thẩm mỹ cao” không phải là điểm mạnh của doanh nghiệp bạn mà chỉ là yêu cầu tối thiểu cần có mà thôi.

Hơn nữa, các điểm mạnh phải là những nhân tố đặc trưng gắn liền với tên của doanh nghiệp, tổ chức hay dự án và phải xuất phát từ bên trong nội bộ, tức là các nhân tố có thể nỗ lực tác động để duy trì hoặc cải thiện. 

Một số ví dụ về thế mạnh (Strengths) trong mô hình phân tích SWOT:

  • Danh tiếng, hình ảnh tốt
  • Sự tín nhiệm cao của khách hàng
  • Nguồn lực tài chính dồi dào
  • Ứng dụng công nghệ
  • Bí quyết sản xuất riêng có thể mang lại hiệu quả cao

Bạn có thể tìm ra những thế mạnh của đối tượng phân tích dựa vào một số câu hỏi gợi ý như sau:

  • Những đặc tính nào của doanh nghiệp hay tổ chức của bạn được mọi người đánh giá cao hơn so với những đối thủ khác?
  • Những tài nguyên nào mà chỉ doanh nghiệp của bạn có thể tiếp cận được còn các đối thủ thì không?
  • Bạn tự cảm thấy doanh nghiệp hay tổ chức của mình có thể làm tốt ở những phương diện nào?

Nếu có điều kiện, hãy viết ra lợi điểm bán hàng độc nhất (Unique Selling Proposition – USP) của đối tượng phân tích và thêm vào phần điểm mạnh thuộc mô hình phân tích SWOT của bạn để kết quả phân tích trở nên đầy đủ và sâu sắc hơn nhé.

2.2.2. Weaknesses – Những điểm yếu cần được khắc phục và cải thiện

mô hình phân tích swot-weaknesses

Những điểm yếu, cũng giống như các điểm mạnh kể trên, là những đặc điểm cố hữu của bất kì doanh nghiệp, tổ chức hay dự án nào. Vì vậy hãy brainstorm dựa trên tất cả các khía cạnh nội bộ về nhân sự, nguồn lực, các hệ thống và cơ cấu cũng như quy trình sản xuất để tìm ra những chỗ còn bất cập hoặc còn chưa hiệu quả bằng các đối thủ của mình để xếp vào ô Weaknesses. Tổng quát hơn, hãy điều tra và suy luận về những gì mà đối tượng phân tích của bạn đang cần phải cải thiện hoặc loại bỏ hoàn toàn.

Một số ví dụ về điểm yếu trong mô hình phân tích SWOT:

  • Danh tiếng từng bị ảnh hưởng
  • Cơ cấu tổ chức và cách thức vận hành doanh nghiệp, tổ chức còn tốn kém
  • Thiếu lượng khách hàng trung thành
  • Đội ngũ nhân viên thường xuyên thay đổi
  • Thiếu những hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) mang tính đổi mới

Đây là một số câu hỏi gợi ý để bạn có thể tìm ra những điểm yếu của đối tượng để đưa vào mô hình phân tích SWOT:

  • Trong quá khứ, bạn đã có thể cải thiện những điểm yếu nào của doanh nghiệp hay tổ chức này?
  • Doanh nghiệp hay tổ chức thường phải nhận những khiếu nại của khách hàng về vấn đề gì?
  • Những tài nguyên nào mà đối thủ có thể tiếp cận được còn bạn thì không?

Không những vậy, để tìm ra những nhân tố thuộc về ô Weaknesses của mô hình phân tích SWOT trong thực tế, các nhà quản trị còn có thể tưởng tượng hoặc thăm dò về cách mà người bên ngoài nhìn vào doanh nghiệp, tổ chức hay dự án của bạn. Dù đây là yếu tố nội bộ bên trong, song những góc nhìn khách quan từ bên ngoài sẽ gợi mở thêm những yếu tố mà bạn và các đồng nghiệp thường bỏ qua. Không những thế, hãy dành thời gian để nghiên cứu về các công ty đối thủ và đặt câu hỏi vì sao họ đang làm tốt hơn bạn ở mặt này hay mặt kia, và bạn đang thiếu gì so với họ ở những mặt đó

Cuối cùng, không phải quá khó nhưng vô cùng cần thiết đối với ô Weaknesses trong mô hình phân tích SWOT, chính là sự trung thực. Hãy khách quan và quán triệt hết mức có thể trong việc nhìn nhận những điểm yếu của đối tượng đang phân tích, nhất là khi đối tượng ấy thuộc quyền sở hữu và điều hành của chính bạn. Có như vậy thì mô hình phân tích SWOT mới thực sự phát huy hết hiệu quả trong việc hỗ trợ bạn đưa ra những định hướng và chiến lược đúng đắn.

2.2.3. Opportunities – Những cơ hội cần được nắm bắt

swot-co-hoi

Đây là một ô tương đối khó trong mô hình phân tích SWOT và đòi hỏi ở người phân tích sự am hiểu tường tận về đối tượng phân tích cũng như về sự biến thiên của thị trường, xã hội.   

Trong bối cảnh ngày nay, những cơ hội dành cho các tổ chức, doanh nghiệp thường nảy sinh gần như liên tục từ các tình huống khách quan và vì vậy mà rất cần một nhà quản trị với tầm nhìn xa cùng sự nhạy bén để nhanh chóng phát hiện và nắm bắt chúng. Đây chính là những dịp, những thời cơ quan trọng để cải thiện hiệu suất và từ đó nâng tầm vị thế của công ty so với các đối thủ khác trong thị trường.

Một số ví dụ về cơ hội trong mô hình phân tích SWOT:

  • Những công nghệ mới
  • Sự xuất hiện của các xu hướng mới
  • Việc nới lỏng những quy định
  • Các rào cản thương mại được dỡ bỏ
  • Sự thâm nhập vào những phân khúc thị trường mới

Trong quá trình brainstorm cho ô Opportunities của mô hình phân tích SWOT, đầu tiên hãy nghĩ đến những cơ hội tốt mà bạn có thể khai thác ngay lập tức. Đó không nhất thiết phải là một cơ hội mang tính cách mạng và thay đổi hoàn toàn cục diện của doanh nghiệp hay tổ chức, vì thực tế chỉ cần tận dụng tốt một lợi thế nhỏ thôi cũng có thể cải thiện đáng kể tình hình hiện tại. 

Bên cạnh đó cũng hãy lưu ý xem, sau khi một vài điểm yếu đã tìm được cách giải quyết và khắc phục thì chúng có tạo ra cơ hội mới nào cho bạn hay không.

Điều quan trọng nhất vẫn là hãy luôn luôn cập nhật những thông tin mới nhất về mọi chuyển biến trong xã hội xung quanh, bao gồm các chính sách có liên quan đến lĩnh vực của bạn, các thành tựu công nghệ, lối sống được yêu thích, cơ cấu dân số, giá cả,…).

Nếu vẫn còn gặp khó khăn, các bạn có thể tìm ra những yếu tố thuộc ô Opportunities của mô hình phân tích SWOT dựa trên những câu hỏi gợi ý sau đây:

  • Xu hướng thị trường nào đang trở nên phổ biến hay sắp trở nên phổ biến? Dự đoán quy mô sẽ lớn hay nhỏ? Tầm ảnh hưởng của nó rộng nhất đến loại khách hàng nào? Có thể tận dụng hoặc khai thác được gì từ nó?
  • Làm cách nào bạn có thể biến những điểm mạnh (strengths) thành cơ hội (opportunities) của mình?
  • Dạo gần đây có những sự đổi mới nào trong xã hội (chính sách, công nghệ, thị trường, giá,…)?
  • Có những tài nguyên hay những mối quan hệ nào mà doanh nghiệp hay tổ chức còn chưa khai thác tốt?

2.2.4. Threats – Những thách thức cần được chuyển hoá

Thách thức là một trong những vấn đề luôn hiện hữu đối với hoạt động của các doanh nghiệp và tổ chức. Chúng bao gồm bất cứ điều gì từ bên ngoài có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến đối tượng phân tích của bạn. 

Một số ví dụ về thách thức trong mô hình phân tích SWOT:

  • Các vấn đề về chuỗi cung ứng
  • Thiếu hụt nhân sự
  • Chuyển dịch trong nhu cầu thị trường 
  • Sự xuất hiện của một mặt hàng thay thế mới
  • Những lệnh hạn chế thương mại vừa được ban hành

Cũng như ô Opportunities, Threats trong mô hình phân tích SWOT cũng đòi hỏi rất nhiều sự am hiểu ở người phân tích. Bạn có thể bắt đầu từ việc xem xét lại các quy trình hoạt động của đối tượng phân tích và cố đoán xem trong bối cảnh hiện tại, từng quy trình sẽ có khả năng xảy ra những biến cố tiêu cực nào. Hãy lưu ý về một số yếu tố có thể vừa là cơ hội (Opportunities) vừa là thách thức (Threats). Ví dụ như việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất vừa có thể nâng cao năng suất nhưng đồng thời cũng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và có chi phí lắp đặt, bảo dưỡng rất tốn kém.

Tiếp theo, bạn cần mở rộng tầm nhìn ra bao quát toàn cảnh thị trường và xã hội để có cái nhìn tổng quan về những thách thức chung của toàn cục. Cũng vì vậy mà khi nhìn bao quát, hãy nhìn sang các đối thủ của đối tượng phân tích và xem họ đang làm như thế nào, từ đó cân nhắc về việc liệu bạn có cần thay đổi một số yếu tố trong hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức hay dự án để phù hợp hơn với tình hình thực tế không. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mọi sự so sánh đều là khập khiễng, những gì tốt với họ không có nghĩa là cũng tốt với doanh nghiệp hay tổ chức của bạn. Sự tiếp thu, học hỏi để ứng phó trước các thách thức luôn cần có sự chọn lọc kỹ càng và phải dung hợp được hoàn cảnh khách quan thuộc về thời cuộc và bối cảnh riêng của đối tượng phân tích.

Tóm tắt một số câu hỏi gợi ý để bạn có thể brainstorm các yếu tố cho ô Threats trong mô hình phân tích SWOT:

  • Những thách thức lớn, nhỏ nào có thể gây ra tác động tiêu cực đến đối tượng phân tích của bạn?
  • Những công ty, tổ chức khác đang làm như thế nào?
  • Những điểm yếu (ô Weaknesses) của đối tượng phân tích đang phô bày trước mắt bạn những thách thức gì?

Trên thực tế vẫn sẽ luôn có những rủi ro, thách thức tiềm tàng trong tương lai mà nhà quản trị với các công cụ sẵn có của mình chưa thể dự đoán được.

2.3. Bước 3 khi thực hiện mô hình phân tích SWOT

  • Sau khi đã hoàn thành việc brainstorm và điền các yếu tố vào ô thích hợp trong mô hình phân tích SWOT, hãy trình bày thành một ma trận như ví dụ sau để có thể đề ra những kiến nghị hoặc chiến lược hợp lý:
mô hình phân tích swot-ma-tran

Giải thích: 

  •  S- O (maxi-maxi): Có thể tận dụng những điểm mạnh (Strengths) để phát huy tối đa các cơ hội (Opportunities) như thế nào?
  •  W-O (mini-maxi): Cơ hội (Opportunities) có thể được tận dụng để giải quyết những điểm yếu (Weaknesses) ra sao?
  •  S-T (maxi-mini): Làm cách nào để phòng ngừa và ứng phó trước các thách thức (Threats) dựa trên điểm mạnh (Strengths)?
  •  T-W (mini-mini): Cần làm gì để cùng giảm các thách thức (Threats) và điểm yếu (Weaknesses) đến mức tối thiểu và phòng tránh chúng?

3. Ứng dụng mô hình phân tích SWOT trong hoạch định chiến lược 

Để giúp các bạn có thể hiểu rõ hơn về việc áp dụng mô hình phân tích SWOT vào tư vấn quản trị hoặc case interview như thế nào, Anh Chú Hướng Nghiệp sẽ cùng các bạn lập một mô hình phân tích SWOT cho công ty bán lẻ may mặc Zara với thông tin được lấy trong năm 2020 nhé.

zara-vi-du-mô hình phân tích swot

Thông tin về công ty: Zara là một công ty bán lẻ hàng may mặc của Tây Ban Nha có trụ sở tại Arteixo với 2240 cửa hàng tại 96 quốc gia. Đây là một trong những công ty quần áo lớn nhất trên thế giới và chuyên về “thời trang nhanh” (fast fashion), các sản phẩm bao gồm quần áo, phụ kiện, giày dép, đồ bơi, đồ làm đẹp và nước hoa. 

Vậy trong mô hình phân tích SWOT của Zara sẽ có những gì?

3.1. Điểm mạnh (Strengths) của Zara

  • Lợi thế trong cách mạng thời trang: Thời trang của ZARA tập trung vào dòng thời trang nhanh (fast-fashion). Đặc điểm dễ nhận thấy đó chính là công ty có thể tập trung luôn vào thiết kế, sản xuất và bày bán, ngay khi xác định được xu hướng, tốc độ cho ra sản phẩm nhanh hơn rất nhiều so với các công ty may mặc truyền thống. Là một người tiên phong, ZARA cũng có những chiến lược và phương thức quản lý tối tân nhất trong việc vận hành chuỗi cung ứng của mình. 
  • Số lượng cửa hàng bán lẻ: Tính tới năm 2020, ZARA đã có mặt ở trên 202 thị trường và có cửa hàng ở 96 trong số đó. Với tổng số 2249 cửa hàng, ZARA có số lượng cửa hàng bán lẻ thời trang nhiều nhất trên thế giới.
  • Mạng lưới cung ứng: 10 trung tâm phân phối của ZARA luôn đảm bảo giao hàng đến bất cứ địa điểm nào trên thế giới trong vòng 48 giờ. Ngoài ra, công ty cũng có một đội ngũ nội bộ chuyên thiết kế phần mềm để tăng gấp đôi tốc độ gửi đơn hàng.
  • Đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp: ZARA có hẳn một đội gồm 700 nhà thiết kế được đào tạo chuyên nghiệp với mục đích chuyển đổi mong muốn, suy nghĩ của Khách hàng thành các thiết kế, có thể tạo ra 50.000 sản phẩm hàng năm và ZARA chỉ mất ba tuần để đưa thiết kế từ bảng vẽ tới cửa hàng. 
  • Chuyển đổi sang bán hàng trực tuyến: ZARA đang sử dụng khoản tiền đầu tư khổng lồ, 3 tỷ USD để thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến của mình. Khoản tiền này sẽ được sử dụng vào việc phát triển trải nghiệm mua hàng trực tuyến, tích hợp cơ sở vật chất hạ tầng của công ty. Mục tiêu của ZARA là có thể tạo một phần tư doanh thu thông qua bán hàng trực tuyến vào năm 2022.  

3.2. Điểm yếu (Weaknesses) của Zara

  • Thời trang nhanh: Trớ trêu thay khi xu hướng giúp đưa ZARA lên vị trí hàng đầu lại là nguyên nhân cấp bách hàng đầu mà hãng phải đối mặt. Đặc biệt trong những năm gần đây, những chủ đề như “phát triển bền vững”, hay “phát triển kinh tế xanh” đã trở thành mối quan tâm của người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách trên nhiều quốc gia, điều này khiến ZARA phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích.
  • Quá phụ thuộc vào cửa hàng thực tế: Đại dịch COVID-19 đã làm giảm tốc độ bành trướng trong kế hoạch mở thêm cửa hàng của ZARA. Và các cửa hàng trực tuyến cũng giúp ZARA thoát khỏi tình trạng sụt giảm nghiêm trọng vì các nguyên nhân liên quan tới dịch bệnh. Tuy nhiên theo báo cáo kinh doanh gần đây nhất của ZARA thì ngay cả khi tăng doanh số bán hàng trực tuyến thì doanh số bán hàng chỉ bằng 89% so với năm 2019. 
  • Xuất hiện mờ nhạt tại Mỹ và châu Á: Mỹ là thị trường may mặc lớn nhất thế giới và châu Á chiếm vị trí thứ hai. Tuy nhiên, sự hiện diện của ZARA tại hai thị trường này là rất mờ nhạt. 
  • Phân biệt chủng tộc: Tuy hãng này đã ban bố một bộ quy tắc ứng xử nghiêm ngặt nhưng một báo cáo về tình trạng đối xử với người lao động ở My-an-ma đã dấy lên nghi ngại về tính thực thi của bộ quy tắc này. 

3.3. Cơ hội (Opportunities) của Zara

  • Chu trình giao hàng nhanh chóng: Với cam kết thay đổi các bộ sưu tập với tần suất 2 tuần, ZARA có số lượng Khách hàng trung thành ghé thăm các cửa hàng rất cao (Trung bình là 17 lần một năm). Một lý do nữa cho việc này là do phản ứng của ZARA đối với các xu hướng mới ngay khi xuất hiện. Tổng thời gian trong toàn bộ khâu sản xuất là từ 2 đến 3 tuần nhưng trong tương lai, ZARA có thể rút ngắn chu kỳ này hơn nữa. 
  • Xu hướng cá nhân hóa: Việc thu thập dữ liệu và phân tích cơ sở Khách hàng hiện nay đang trở nên đơn giản hơn bao giờ hết nhờ vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và ZARA vẫn đang rất đầu tư và mở rộng công nghệ này. 
  • Chủ nghĩa bán lại (Resale): Thị trường quần áo cũ, “bán lại” hay “resale” hiện đang rất sôi động với giá trị 28 tỷ đô la và đang được dự đoán sẽ tăng lên trong 5 năm tới. Việc tích hợp chiến lược “bán lại” vào nền tảng hiện tại của họ cho phép Khách hàng mua nhiều hơn mà ít lãng phí hơn. Điều này giúp khuyến khích chủ nghĩa tiêu dùng mua hàng mà vấn tính tới vấn đề bền vững. 
  • Tiếp thị ảnh hưởng: ZARA trong quá khứ ZARA đã trở nên nổi tiếng với chiến dịch #DearSouthAfrica thu hút hơn 8 triệu người chú ý. Trong tương lai, đây có thể sẽ là chìa khóa để thu hút Khách hàng cho ZARA.
zara-dear-south-africa

3.4. Những thách thức (Threats) dành cho Zara

  • Cạnh tranh: Người khổng lồ của thời trang nhanh Trung quốc – Shien, là nhà bán lẻ thời trang lớn nhất trên thế giới với sự hiện diện hoàn toàn trực tuyến. Chỉ trong tháng 9, ứng dụng Shien đã đạt 10,3 triệu lượt tải xuống. Trong khi đó, ZARA chỉ với hơn 2 triệu lượt tải xuống. Vậy nên, lĩnh vực kỹ thuật số là chiến trường mới, nơi ZARA phải cực kỳ đề phòng. 
  • Cuộc chiến giá cả: Thời trang nhanh, hay fast-fashion từ lâu đã được ZARA nhắm như là một thị trường ngách cho hãng. Tuy nhiên, ngành này rất dễ bị những kẻ bắt chước tiến hành cuộc chiến về giá để lấy được lợi nhuận từ dòng sản phẩm của Zara.
  • Đại dịch COVID-19: Trong quý đầu tiên năm 2020, công ty mẹ Inditex cho biết báo cáo doanh số giảm 44% so với trung bình hàng năm. Lý do nằm ở việc hãng đã đóng cửa 88% cửa hàng của mình.
  • Tính bền vững với môi trường: Hiện nay người dùng đã rất có ý thức đối với những tác động của thời trang nhanh lên môi trường. Do đó, Zara sẽ phải thúc đẩy việc biến thời trang nhanh trở thành một ngành kinh doanh bền vững – về mặt kinh tế và sinh thái.
zara-threats-swot

4. Lời kết

Sau bài viết này, Anh Chú Hướng Nghiệp hi vọng các bạn đã có thể nắm được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để sử dụng mô hình phân tích SWOT trong tư vấn quản trị và ứng dụng vào việc giải các case interview. Tuy nhiên, cũng hãy lưu ý rằng bất kì framework nào cũng chỉ là những hướng dẫn cơ bản mang tính chất gợi ý chứ không phải là các quy luật mà chúng ta phải tuân theo, và thực tế thì vấn đề của các doanh nghiệp, tổ chức và dự án còn phức tạp và cá thể hóa hơn rất nhiều. Vì vậy, hãy sử dụng mô hình phân tích SWOT nói riêng và các framework nói chung một cách linh hoạt nhưng kỹ lưỡng và khách quan các bạn nhé!

Đọc thêm: Các Framework giải case interview thường gặp trong ngành tư vấn quản trị 

Vui lòng ghi rõ nguồn khi chia sẻ nội dung bài viết:

Anh Chú Hướng Nghiệp (www.anhchuhuongnghiep.com)

Chia sẻ bài viết:

Facebook
Twitter
LinkedIn
WhatsApp
Email

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dự án Anh Chú Hướng Nghiệp hiện thực hóa khát vọng giúp đỡ giới trẻ của Dương Trần – Thạc sĩ ĐH Harvard, Chuyên gia Tư vấn chiến lược.

Đọc thêm tại đây

Kết nối

Chủ đề

Đăng ký nhận newsletter

Đăng ký nhận newsletter

Nhận email cập nhật về các bài viết, tài liệu & sự kiện mới của Anh Chú Hướng Nghiệp